VẬT NUÔI GÂY THIỆT HẠI CHO NGƯỜI KHÁC, CHỦ SỞ HỮU SẼ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp vật nuôi tấn công, gây thiệt hại về người và tài sản trong cộng đồng, từ đó dấy lên tâm lý hoang mang, lo lắng cho dư luận. Việc nâng cao kiến thức pháp luật về trách nhiệm của chủ sở hữu đối với vật nuôi là quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này sẽ giúp mọi người có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc thú cưng, tránh các hành động thả rông vật nuôi gây mất trật tự công cộng, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân.

Dưới đây, Viên Thông Law đã cập nhật những kiến thức pháp luật về trách nhiệm của chủ sở hữu khi vật nuôi gây hại. Chúng ta hãy cùng xem xét các yếu tố pháp lý và trách nhiệm mà chủ nhân có thể phải đối mặt khi vật nuôi của họ gây ra nguy hiểm cho người khác nhé.

1. Trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác

Điều 603 BLDS 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: 

– Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy, trong trường hợp thú cưng gây thiệt hại cho người khác, thì chủ của thú cưng gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác.

2. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi chăn thả vật nuôi ở nơi công cộng

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng:

– Chủ sở hữu có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những trường hợp: Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng; Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị; Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

3. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi chăn thả vật nuôi ở nơi công cộng 

Trong trường hợp chủ thú cưng dẫn, dắt vật nuôi của mình ra những nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa….dẫn đến cắn chết người, nếu xác minh được người chủ không có ý định thả vật nuôi với mong muốn gây chết người mà việc để vật nuôi đó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015

“Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, chủ vật nuôi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại về mặt dân sự; hoặc có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm quy định về nuôi, nhốt, để vật nuôi tấn công, lây bệnh, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác.

CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN VIÊN THÔNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *